Latest News

Tuesday, September 3, 2013

Tăng ly chúng Tăng tàn


Một bậc đế vương xuất hiện, muôn nghìn quân sĩ rạp mình tung hô vạn tuế, một thế chuyển mình của sư tử chúa sơn lâm, muôn loài cầm thú kinh sợ thu mình thần phục. Bậc đế vương uy danh lừng lẫy khi quanh vị ấy có đầy đủ cung vàng điện ngọc, ấn triện, thế lực và văn võ bá quan, khi tất cả lìa xa vị ấy thì vị ấy chỉ còn là một người bình thường, bình thường như bao người dân thường khác. Chúa tể sơn lâm chỉ là chúa tể khi nó ngự trị trong núi rừng, trong thâm sơn cùng cốc của muôn ngàn dã thú, khi đã bị đưa đến chốn thị thành thì cọp chỉ còn biết quẩn quanh cùng một khối căm hờn trong củi sắt của thảo cầm viên và ăn những thức ăn do con người mang đến như bao loài thú hèn mọn khác.


Sự vật trên thế gian này vốn là như vậy, một thực thể chỉ là một thực thể mang tên này khi nó được kiện toàn bởi những nhân duyên, những chánh báo và y báo tạo nên nó, mỗi khi đã thoát ra khỏi những điều kiện này thì ắt hẳn không còn mang tên đó nữa, bởi thiếu điều kiện, thiếu nhân duyên, nói đúng hơn là thiếu hay lãng quên khả năng phòng hộ và thiếu sự phòng hộ từ cộng đồng. Xuất phát từ ý nghĩa đó, cổ đức trong nhà Phật đã có một câu nói mà trong giới xuất gia ai cũng biết đó là “hổ ly sơn hổ bại, tăng ly chúng tăng tàn”.

Tăng, nói đầy đủ là tăng-già xuất phát từ chữ sangha của tiếng Phạn, thường được xuất hiện để chỉ cho đoàn thể xuất gia đệ tử đức Phật từ bốn người trở lên, sống hòa hợp và thanh tịnh đúng như giới luật mà đức Phật đã chế định để hướng mục tiêu của mình đến đời sống giác ngộ và giải thoát phiền não khổ đau. Một vị tỳ-kheo chỉ được xem là thành viên của Tăng già khi hội đủ các điều kiện của một thành viên xuất gia đệ tử của đức Phật, chấp nhận đời sống không gia đình và hướng đời mình đến sự nghiệp giải thoát, dẹp trừ cái “tôi” và “của tôi” để khép mình vào tăng đoàn, xây dựng nên bản thể thanh tịnh và hòa hợp của tăng già.

Xuất phát từ những ý nghĩa và điều kiện đó nên, cổ đức trong nhà thiền đã ví von bằng hình ảnh con hổ lìa rừng, cho thấy sự thất bại của một tỳ-kheo khi chấm dứt mối liên hệ với tập thể tăng già, quay lưng lại với bản thể hòa hợp và thanh tịnh như pháp như luật của tăng. “Tăng li chúng tăng tàn” ắt hẳn ở đây chỉ cho thành viên tăng rời khỏi khối hòa hợp và thanh tịnh của đại chúng, ắt hẳn sẽ thất bại, sẽ biến đổi, sẽ tàn lụi bởi mất đi khả năng phòng hộ của một thành viên tăng và mất đi sự phòng hộ từ chúng tăng.

Vào thời đức Thế Tôn còn tại thế, khi hệ thống tu viện chưa được áp dụng rộng rãi như bây giờ, các tỳ-kheo sống theo phương thức khất thực và ngủ dưới gốc cây độc cư nhàn tịnh, nhưng không phải vì thế mà độc lập tách biệt khỏi chúng tăng, trái lại, tinh thần chúng tăng, tức tinh thần thanh tịnh và hòa hợp vẫn luôn được các tỳ-kheo tôn trọng và tuân thủ một cách nghiêm túc, dù đi đâu, ở đâu, hành đạo như thế nào cũng luôn giữ một mối liên hệ mật thiết với Tăng ít nhất là qua hình thức bố-tát mỗi nửa tháng một lần. Vào những ngày 15 sáng trăng, các tỳ-kheo nhóm họp theo tinh thần thanh tịnh và hòa hợp của chúng tăng để đọc tụng giới luật và nhắc lại những lời Phật dạy, sám hối sửa sai cho nhau, mối liên hệ đó là sợi dây vô hình nhưng vững chắc, gắn kết tất cả thành viên xuất gia đệ tử Phật trở thành một khối thống nhất đi đúng đường, đúng mục đích xuất gia mà đức Phật đã dạy.

Hình thức bố-tát đó cộng với pháp an cư là hai phương thức duy trì mối liên hệ của tăng. Mặc dù có duyên khởi là các tỳ-kheo dừng lại một trú xứ tránh du hành trong nhân gian để khỏi giẫm đạp côn trùng, pháp an cư đã trở thành một hình thức rất hữu ích trong việc duy trì mối liên hệ với tăng. Suốt mấy tháng mùa mưa, chúng tăng tập trung lại một chỗ, hạn chế sự đi lại đến tối thiểu và dành toàn bộ thời gian cho việc tu tập, ôn lại những lời dạy của đức Thế Tôn và thực hành pháp ấy dưới sự hộ trì của chúng tăng. Hình thức sinh hoạt tu học cùng đại chúng như vậy là hình thức tối ưu trong việc học tập kinh nghiệm, hoàn thiện bản thân, một pháp hành cần phải thực tập để rút ra kinh nghiệm thì thay vào đó sự lịch nghiệm của nhiều người trong tăng chúng đưa đến lời khuyên đúng đắn thay vì tự thân phải dọ dẫm từng bước một.

Quan trọng hơn, hình thức tu học cùng đại chúng là cơ hội tốt nhất để một cá nhân tăng sĩ bào mòn dần đi bản ngã của mình, sống trong một môi trường của đại chúng, các thành viên đều tự gọt giũa mình để hòa vào cái chung của đại chúng, mà cái gì thuộc đại chúng là của tất cả mà cũng không của riêng ai. Như vậy, pháp bố tát và an cư là hai hình thức điển hình biểu hiện bên ngoài của đoàn thể tăng, tuy nhiên, bản thể tăng chỉ được thành tựu khi và chỉ khi nó có ý nghĩa đoàn thể ấy sống hòa hợp và thanh tịnh đúng với mục đích và lý tưởng của một đoàn thể tỳ-kheo đệ tử Phật xuất gia sống đời phạm hạnh để thành tựu quả vị giải thoát cuối cùng và rao giảng pháp ấy làm lợi lạc cho tha nhân.

Tăng li chúng tăng tàn ắt hẳn không thể là sự quy kết một thành viên tăng chỉ xa lìa đại chúng là bị tàn lụi bị hủy diệt, mà đúng hơn là thành viên đó rời khỏi sự thanh tịnh và hòa hợp của chúng tăng, thành viên đó không tôn trọng sự thanh tịnh và hòa hợp, nói cách khác là không giữ mình trong bản thể của tăng, không góp mình xây dựng nên bản thể thanh tịnh hòa hợp của tăng, không sống đúng như giới như luật, như chánh pháp mà Thế Tôn dạy bảo cho đời sống của tỳ kheo, thì vị ấy dù có sống trong tăng già cũng không thể nào hòa hợp, không thể nào thanh tịnh hợp với bản thể của tăng và dĩ nhiên không thể tạo nên thể thanh tịnh và hòa hợp với chúng tăng đúng pháp. Kẻ ấy tự mình quay lưng lại với bản thể của tăng, quay lưng lại với thể thanh tịnh và hòa hợp, mất đi khả năng phòng hộ bởi thiếu giới luật và mất đi sự phòng hộ của chúng tăng bởi đã mất sự liên hệ với bản thể của tăng già.

Chính vì ý nghĩa của tăng và thành viên tăng như vậy nên giáo pháp đức Phật không hề mâu thuẫn khi ngài khuyến khích hạnh độc cư nhàn tịnh của các tỳ-kheo và xem đó là hạnh lành tối thắng để một tỳ-kheo đạt đến mục đích tối thượng của mình, bởi sự độc cư đó không độc lập khỏi chúng tăng, không quay lưng với bản thể thanh tịnh và hòa hợp của chúng tăng mà trái lại nó góp phần cho khối thanh tịnh của tăng già thêm càng thanh tịnh, kết quả tu tập ấy là mục đích chung của tất cả tăng già. Một đoàn thể được gọi là tăng khi đoàn thể ấy sống đúng với bản chất thanh tịnh và hòa hợp của tăng, đúng với mục đích chung của chúng tăng, chứ không chỉ là hình thức của một đoàn thể nhóm họp lại trong cùng một trú xứ nhưng không cùng nhau xây dựng nên được một bản thể thanh tịnh. Và lời khuyến khích sau đây của đức Phật kêu gọi các tỳ-kheo lên đường lưu truyền chánh pháp vì vậy cũng nằm trong sự nối kết của tăng, trong mục đích chung của tăng già và đời sống như vậy là đời sống hòa hợp với bản thể của tăng. “Này các Tỳ-kheo, các ngươi hãy đi, vì sự lợi ích, vì sự an lạc của nhiều người; vì lòng thương tưởng thế gian; vì sự ích lợi, sự an lạc của chư thiên và nhân loại. Chớ đi với hai người cùng một đường.” (P. Caratha, bhikkhave, cārikaṃ bahujanahitāya bahujanasukhāya lokānukampāya atthāya hitāya sukhāya devamanussanāṃ. Mā ekena dve agamittha).

Xuất phát từ bản thể thanh tịnh và hòa hợp, mối liên hệ giữa cá nhân và tăng đoàn nới rộng phạm vi không gian, dù có đi đâu ở đâu, là thành viên của trú xứ nào đi nữa thì cũng đều được nhiếp thủ thành thành viên của chúng tăng, của một thể thống nhất cùng một mục đích chung của đạo pháp.

Tăng tàn trong ý nghĩa thiếu đi khả năng phòng hộ và mất lực phòng hộ từ tăng già khi một tỳ-kheo xa rời đại chúng với một mục đích không cùng mục đích của tăng, vì một lợi ích không nằm trong lợi ích mà tăng già hướng đến, không vì sự an lạc của nhiều người, không vì lòng thương tưởng đến thế gian và cũng không vì con đường độc cư nhàn tịnh để cần cầu quả bồ-đề vô thượng. Vị tỳ-kheo ấy sống buông lòng theo dục lạc hay theo những mục đích đem đến lợi lạc cho cái tôi và cái của tôi. Vị ấy ắt hẳn mất đi sự phòng hộ bởi không khép mình trong pháp và luật của Phật chế định, mất lực phòng hộ của tăng già bởi chấm dứt sự liên hệ với tăng già, bởi không thể nhiếp mình trong bản thể thanh tịnh hòa hợp của tăng.

Với ý nghĩa của bản thể tăng như vậy, một cá nhân không khép mình bằng một cái tâm mềm mại nhu nhuyến nhờ công phu tu tập bào mòn bản ngã và từ chối sự cộng tác tạo thành thể hòa hợp với chúng tăng đúng pháp đúng luật đúng lời Phật dạy, sự tách biệt đó dù với một lý do gì đi nữa cũng đã chứng minh sự thất bại của một thành viên tăng. Bởi một cá nhân chỉ được xem là thành viên của tăng già khi sống cùng một hướng và tạo thành một thể với tăng. Trên cùng bản thể đó và duy nhất nhờ vào bản thể đó tăng già đã trở thành Tăng Bảo trong ba ngôi tam bảo Phật Pháp Tăng mà trời người quy y tôn ngưỡng. Một bản thể quý báu và trang nghiêm như vậy, ắt hẳn một kẻ có trí không vì sự bất mãn riêng tư mà quay lưng tự mình lìa bỏ, và ắt hẳn một người con Phật chơn chánh mang trong mình hoài bảo trùng hưng tam bảo tại thế gian lại từ chối xây dựng trang nghiêm thể hòa hợp thanh tịnh của hàng Tăng Bảo.

(Tạp chí Chuyển Luân – 2/2009)



Khải Tuệ (Theo TVHS)
« PREV
NEXT »