Writen by
Nguyên Chánh
September 02, 2016
-
0
Comments
Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện Trong Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm
(Đời Đường, Ngài Tam Tạng Bát Nhã, nước Kế-Tân dịch từ Phạn văn ra Trung văn)
Lúc bấy giờ ngài đại Bồ-Tát Phổ-Hiền ca ngợi công đức thù thắng của Như-Lai xong, nói với các Bồ Tát và Thiện Tài đồng tử rằng: "Thiện Nam Tử! Công đức của Như-Lai, ví phỏng tất cả chư Phật trong mười phương, trải qua vô số vô số kiếp, nối tiếp diển thuyết để ca ngợi, cũng không bao giờ cùng tận. Nếu ai muốn thành tựu công đức ấy, nên chuyên cần tu tập Mười Hạnh Nguyện rộng lớn sau đây: Một là Lễ kính chư Phật. Hai là Xưng tán Như Lai. Ba là Quảng tu cúng dường. Bốn là Sám hối nghiệp chướng. Năm là Tùy hỷ công đức. Sáu là Thỉnh chuyển pháp luân Bảy làThỉnh Phật trụ thế. Tám là Thường tùy Phật học. Chín là Hằng thuận chúng sanh. Mười là Phổ giai hồi hướng.
Nghe thế, Thiện Tài liền bạch, kính thưa Đại Thánh, thế nào gọi là Lễ kính chư Phật… cho đến thế nào gọi là Phổ giai hồi hướng? Cúi xin Ngài giải thích cho ! Ngài Phổ-Hiền bảo Thiện Tài rằng: Thiện nam tử ! Giờ đây ta sẽ lần lượt giải thích Mười Hạnh Nguyện đó cho ngươi:
1- LỄ KÍNH CHƯ PHẬT:
Tất cả vô cùng vô tận pháp giới, hư không giới, mười phương, ba đời hết thảy cõi Phật, có hằng hà sa số chư Phật trong đó, tôi đều dùng hạnh nguyện lực của Phổ-Hiền Bồ-Tát, hết lòng tín và giải,(1) xem như chư Phật đang đối diện với tôi. Thế rồi tôi đem ba nghiệp (2) thanh tịnh, thường thường tu tập và lễ kính các Ngài; mỗi mỗi cõi Phật lại hóa hiện ra vô số vô lượng vi trần số thân và mỗi thân lễ khắp tất cả vô lượng vô biên chư Phật. Sự cung kính đảnh lễ của tôi cứ thế mãi, cho đến khi hư-không giới, chúng-sanh giới, chúng-sanh nghiệp, chúng-sanh phiền não cùng tận, bấy giờ sự kỉnh lễ ấy mới kết thúc. Nhưng hư-không giới … thì không bao giờ cùng tận, nên sự lễ kính của tôi cũng chẳng khi nào tận cùng; niệm niệm nối tiếp không gián đoạn, thân, ngữ, ý, ba nghiệp không bao giờ mệt mõi .
2- XƯNG TÁN NHƯ-LAI:
Khắp cùng pháp-giới, hư-không giới, mười phương, ba đời tất cả cảnh giới, mỗi mỗi cảnh giới đó lại có vô số lượng vi trần (3) và mỗi vi trần kia đều có hằng sa số Phật. Cứ mỗi cõi Phật lại có vô biên số Bồ-Tát vi nhiễu (4), tôi đều hiểu biết sâu xa và tin tưởng như thế, đều dùng vi diệu thiệt-căn vượt quá Biện-tài-thiên-nữ, rồi mỗi thiệt căn ấy lại phát xuất vô cùng tận âm thanh, mỗi âm thanh nầy lại phát xuất vô lượng ngôn từ, để xưng dương tán thán vô biên công đức của Như-Lai . Sự xưng tán nầy cùng khắp pháp-giới và tiếp tục mãi mãi cho tới vô lượng kiếp về sau, khi nào hư-không giới, chúng-sanh giới, chúng-sanh nghiệp, chúng-sanh phiền não hết thì mới thôi . Nhưng hư-không giới … không bao giờ cùng tận, nên sự xưng tán của tôi cũng chẳng khi nào tận cùng, niệm niệm nối tiếp, ba nghiệp không ngừng chán.
3- QUẢNG TU CÚNG DƯỜNG:
Tất cả cực vi trần ở trong cõi Phật của cùng khắp mười phương, ba đời, hư-không, pháp-giới, mỗi mỗi cực vi trần đều có tất cả các thế giới và mỗi thế giới lại có hằng hà sa số chư Phật. Cứ mỗi cõi Phật lại có vô số Bồ-Tát vi nhiễu; tôi đều dùng hạnh nguyện lực Phổ-Hiền tin và hiểu một cách sâu xa, rồi đều dùng các thứ thượng diệu, như: Hoa vân, Man (5) vân, Thiên âm nhạc vân, Thiên tán cái (6) vân, Thiên y phục vân, lại thêm các thứ mùi hương của chư thiên, để xoa, đốt, hoặc để xông v.v… Số lượng các thứ thượng diệu ấy lớn như ngọn núi Tu-di to nhất; lại còn đốt các loại đèn bằng các thứ dầu có mùi thơm và tim của các ngọn đèn đó lớn như núi Tu-di, lượng dầu thì nhiều như nước của bể cả, dùng tất cả các thứ vừa kể để cúng dường. Thiện nam tử ! Song trong các thứ cúng dường, dùng chánh- pháp để cúng dường là hơn hết. Thế nào gọi là dùng chánh-pháp để cúng dường? Nghĩa là: – Y theo giáo pháp của Phật để tu hành, – Làm bất cứ việc gì lợi ích cho chúng-sanh, – Đem lòng thương xót khuyến hóa, hướng dẫn chúng-sanh cải tà qui chánh, – Bằng cách này hay cách khác chịu khổ thay cho chúng-sanh, – Siêng năng tu tập các việc lành, – Không rời xa Bồ-tát hạnh, – Kiên thủ tâm bồ-đề . Dùng bảy thứ vừa kể trên để cúng dường tức gọi " Pháp Cúng Dường ". Thiện nam tử ! Dùng các thứ thượng diệu của chư thiên để cúng dường, tuy có vô lượng công đức, nhưng nếu đem so với công đức của pháp-cúng-dường trong một niệm thôi, thì công đức kia vẫn chưa bằng một phần trong hằng hà sa số. Tại sao? Vì, chư Phật đều tôn trọng chánh-pháp; vì, nếu chúng-sanh y theo chánh-pháp để tu hành thì có thể thành Phật. Bởi vậy, nếu các vị Bồ-Tát thực hành pháp-cúng-dường tức là cúng dường chư Phật. Đó mới là sự cúng dường chân chính. Sự cúng dường chân chính ấy được tiếp tục mãi cho tới khi nào hư-không giới, chúng-sanh giới, chúng-sanh nghiệp, chúng-sanh phiền não cùng tận, bấy giờ mới chấm dứt. Nhưng hư-không giới, v.v… thì chẳng bao giờ cùng tận, do đó, sự cúng dường của tôi cũng không ngừng nghỉ. Cứ thế, niệm nọ tiếp niệm kia, ba nghiệp không khi nào cảm thấy nhàm chán.
4- SÁM HỐI NGHIỆP CHƯỚNG:
Bồ-Tát tự nghĩ rằng, ta từ vô thủy kiếp đến nay, do tham, sân, si, ba độc khuấy động thân, khẩu, ý, ba nghiệp, gây tạo ra vô số điều ác; nếu các ác nghiệp ấy có hình tướng, thì khắp hư-không giới cũng không chứa hết. Vì thế, ta nay nguyện thành kính đem ba nghiệp thanh tịnh, hướng về tất cả chư Phật, Bồ-Tát trong cùng khắp pháp-giới vô lượng vô biên cõi Phật, chí thành cầu xin sám hối. Đồng thời phát thệ từ nay về sau không bao giờ tái phạm, luôn luôn giũ gìn tịnh giới và làm các việc có công đức. Sự sám hối phát thệ đó cứ tiếp tục mãi cho đến khi hư-không giới, chúng-sanh giới, chúng-sanh nghiệp, chúng-sanh phiền não cùng tận thì mới ngưng. Nhưng hư-không giới … không bao giờ có thể cùng tận, do đó, sự sám hối của ta cũng niệm niệm tiếp nối, đời đời kiếp kiếp, ba nghiệp tinh chuyên, không phút ngừng trệ.
5- TÙY HỶ CÔNG ĐỨC:
Trong khắp pháp-giới, hư-không giới, mười phương, ba đời tất cả cõi Phật, vô lượng vô biên chư Phật, từ khi mới phát tâm tu hành, vì cầu chứng Nhất-Thiết-Chủng-Trí (7), nên trải qua vô số kiếp, hy sinh thân mạng, làm các việc phước đức. Và, trong mỗi mỗi kiếp đã từng bỏ hằng sa đầu, mắt, tay, chân, để thực hành những hạnh tu gian khổ. Nhờ thế, vẹn toàn được các môn Ba-la-mật, chứng nhập các thứ trí-địa của Bồ-tát và cuối cùng thành tựu Vô-thượng Bồ-đề. Đến khi bát niết-bàn lại phân bố Xá lợi cho chúng-sanh; đối với tất cả thiện căn, phước đức đó, tôi đều xin hết lòng tùy hỷ. Ngoài ra lục đạo (8), tứ sanh (9) hết thảy các chủng loại trong mười phương vô lượng thế giới, nếu họ có một công đức gì, dù nhỏ như hạt bụi, tôi cũng xin tùy hỷ. Mười phương, ba đời tất cả các vị Thanh-Văn, Tích Chi Phật, các vị hữu học (10), vô học (11) có công đức gì, tôi đều xin nhất tâm tùy hỷ. Tất cả các vị Bồ-Tát tu vô lượng hạnh khổ hạnh khó khăn, vì cầu Vô-thượng-Bồ-đề, nên tu vô lượng công đức, tôi đều xin kính thành tùy hỷ. Hạnh nguyện tùy hỷ nầy sẽ nối tiếp không ngừng, trải qua vô lượng vô số vô biên kiếp, không bao giờ có một niệm biếng lười,
6- THỈNH CHUYỂN PHÁP-LUÂN:
Hằng sa số cõi Phật trong hư-không giới, pháp-giới khắp cùng mười phương, ba đời và mỗi cõi Phật ấy lại có vô biên Phật độ, mỗi Phật độ trong mỗi niệm lại có vô số vô số chư Phật thành đạo và có vô lượng Bồ-Tát vi nhiễu; thế rồi tôi dùng thân, khẩu, ý, ba nghiệp với nhiều phương tiện, ân cần cầu xin chư Phật chuyển pháp luân, để giáo đạo chúng-sanh. Sự cầu thỉnh đó sẽ tiếp tục từng niệm từng niệm, trải qua vô lượng đời kiếp, không hề gián đoạn.
7- THỈNH PHẬT TRỤ THẾ:
Vô lượng chư Phật ở khắp pháp-giới, hư-không giới, mười phương, ba đời tất cả cõi Phật, cũng như các vị Bồ-Tát, Thanh-văn, Duyên-giác, Hữu-học, Vô-học và hết thảy các vị thiện-tri-thức, nếu muốn thị hiện bát niết-bàn, tôi đều chí thành thỉnh cầu các Ngài, hãy vì lợi lạc chúng-sanh mà khoan bát niết-bàn. Sự cầu xin nầy sẽ tiếp tục cho tới vô cùng vô tận kiêp số về sau, chẳng bao giờ có một niệm biếng lười mệt mõi.
8- THƯỜNG TÙY PHẬT HỌC:
Như đức Phật Tỳ-Lô-Già-Na (12) ở Sa-bà thế giới nầy, từ lúc mới phát tâm tu hành, quyết chí tinh tấn, vì tôn trọng chánh pháp, nên đã từng đem vô biên thân mạng ra bố thí, như lột da làm giấy, lấy xương làm viết, chích máu làm mực để biên chép kinh điển, chứa lại nhiều như núi Tu-di. Đối với thân mạng còn dám hy sinh, huống gì ngôi vua, thành ấp, tụ lạc, cung điện, vườn rừng của cải… Ngoài ra, Ngài còn tu tập các hạnh khổ hạnh khó làm khác, cho đến khi ngồi dưới gốc cây, thành Đại Chánh-giác, thị hiện các thứ thần thông, biến hóa, hóa hiện nhiều thân Phật. Có mặt ở nhiều đạo-tràng: hoặc đạo-tràng của các vị đại Bồ-Tát, Thanh-văn, Bích-chi Phật, hoặc hiện diện trong đạo tràng của Chuyển-luân-thánh-vương, tiểu vương, quyến thuộc, Sát-lợi (13), Bà-la-môn, trưởng-giả, cư-sĩ, thiên long bát bộ (14) và Nhân-phi-nhân (15), v.v… Ở trong tất cả các loại đạo tràng vừa kể, dùng viên-mãn-âm chấn động như đại-lôi, tùy từng cơ-tính ưa muốn để thuyết pháp giáo hóa và sau cùng bát niết-bàn. Tôi nguyện xin theo đức Tỳ-Lô-Giá-Na để học tập tất cả công hạnh ấy, từ đầu tới cuối. Hơn thế, tôi còn nguyện theo học khắp trong pháp-giới, hư-không-giới, mười phương, ba đời tất cả cõi Phật, hằng hà sa số chư Phật nữa. Hạnh theo học của tôi sẽ tiếp nối từng niệm, trãi qua vô lượng, vô biên kiếp, không chán không nghỉ.
9- HẰNG THUẬN CHÚNG-SANH:
Cùng tận hư-không giới, pháp giới, mười phương sát hải (16), gồm thâu tất cả các loài chúng-sanh không giống nhau, như có loài sanh ra bằng trứng, bằng thai, nơi ẩm thấp, bằng lối biến hóa (17); hoặc có loài nương dựa vào đất, nước, lửa, gió mà sinh tồn. Hoặc có loài lại y vào hư-không, cây cỏ mà tồn tại; vô số chủng loại, sắc thân, hình thù, tướng mạo, mạng sống (18), giòng họ, danh hiêu, tâm tính, hiểu biết, dục lạc, ý hành, oai nghi, y phục, ăn uống, cư trú sai khác nhau, cho đến thiên long bát bộ, người và không phải người; lại có loài không chân, hai, bốn hay nhiều chân, hữu sắc (19), vô sắc (20), hữu tưởng (21), vô tưởng, không phải hữu tưởng, cũng không phải vô-tưởng (22). Đối với tất cả các loại chúng-sanh khác nhau như thế, tôi đều nguyện xin tùy thuận, phục vụ, cúng dường, cung kính họ cũng như kính thờ: Cha mẹ, Sư trưởng, A-la-hán, thậm chí như Phật không khác. Với người ốm đau tôi nguyện làm lương dược; với người lầm đường, tôi xin làm người hướng đạo; tôi xin là ánh sáng trong đêm dài mờ mịt; với người khổ nghèo, tôi tình nguyện làm cho họ có thừa của cải… Nhưng tại sao Bồ-Tát lại phải phát nguyện làm lợi ích tất cả chúng-sanh với tinh thần bình đẳng như thế? Vì lẽ, nếu Bồ-Tát tùy thuận chúng-sanh tức cũng như tùy thuận cúng dường chư Phật; tôn trọng, phục vụ chúng-sanh là tôn trọng, phục vụ chư Phật. Nếu Bồ-tát làm cho chúng-sanh hoan hỷ thì cũng xem như đã làm chư Phật hoan hỷ. Tại sao thế? Vì, chư Phật lấy tâm đại-bi làm thể, nhân có chúng-sanh nên sanh tâm đại-bi, nhờ có tâm đại-bi mới phát khởi tâm bồ-đề, do có tâm bồ-đề mới có thể thành bậc Vô-thượng-giác. Ví như cây cổ thụ sống trong bãi sa mạc, nếu rễ của nó gặp được nước, thì nhánh, lá, hoa, quả đều sum sê. Cây bồ-đề ở trong bãi sa mạc sinh tử cũng thế, tất cả chúng-sanh ví như gốc cây, chư Phật, Bồ-tát ví như hoa quả, dùng nước đại-bi làm lợi ích chúng-sanh, thì hoa quả trí tuệ của chư Phật, Bồ-Tát mới phát triển, nẩy nở (23). Tại sao? Vì Bồ-Tát nhờ dùng tâm đại-bi phục vụ chúng-sanh (24) mà được thành Vô-thượng-chánh-đẳng-chánh-giác. Như thế, quả bồ-đề (25) thuộc về chúng-sanh; nếu không có chúng-sanh thì tất cả Bồ-tát vĩnh viễn không thể thành Phật. Thiện nam tử! Ngươi nên thấu hiểu thêm ý nghĩa nầy: nhờ đối với tất cả chúng-sanh sanh tâm bình đẳng, nên được thành tựu tâm đại-bi, lại nhờ đem tâm đại-bi tùy thuận, phục vụ chúng-sanh mà được thành tựu hạnh cúng dường chư PHẬT. Sự tùy thuận chúng-sanh của Bồ-tát, dù hư-không giới, chúng-sanh giới, chúng-sanh nghiệp, chúng-sanh phiền não có cùng tận, nhưng nó vẩn được nối tiếp mãi mãi trong từng niệm, không bao giờ tận cùng nhàm chán.
10- PHỔ GIAI HỒI HƯỚNG:
Xin đem công đức tu hành của chín hạnh nguyện trên – từ Lễ kính chư Phật tới Hằng thuận chúng-sanh – hồi hướng cho tất cả chúng-sanh khắp pháp giới, hư-không giới và nguyện cầu cho hết thảy đều được luôn luôn an vui, không gặp các bệnh khổ. Nếu chúng-sanh nào khởi tâm làm ác thì sẽ không thành, nhưng nếu họ muốn tu thiện nghiệp thì được thành tựu ngay. Con đường dẫn tới tam đồ ác đạo sẽ bị đóng kín và mở rộng đường về cõi người, trời, Niết-bàn. Nếu có chúng-sanh nào vì tích tập các nghiệp ác lâu đời, nên phải chịu các khổ quả nặng nề, tôi nguyện chịu thế, để họ được sung sướng và cuối cùng mong họ sẽ chứng Vô-thượng-bồ-đề. Hạnh tu hồi hướng này của Bồ-tát sẽ tiếp tục mãi mãi, dù hư- không giới, chúng-sanh giới, chúng-sanh nghiệp, chúng-sanh phiền não có cùng tận đi nữa, sự tu hành ấy cũng không bao giờ chấm dứt. Thiện nam tử! Đó là đầy đủ mười đại nguyện của các vị Bồ-Tát, nếu chư Bồ-Tát thuận theo mười đại nguyện ấy, để tiến bước trên đường hóa độ, thì không những hướng đạo tất cả chúng sanh một cách có kết quả, thuận hướng về quả vị Vô-thượng-chánh-đẳng-chánh-giác, mà còn thành tựu hoàn toàn các hạnh nguyện rộng lớn của Bồ-Tát Phổ Hiền nữa. Bởi vậy, Thiện-nam-tử! Ngươi cần nhận chân và hiểu thấu ý nghĩa của vấn đề. Nếu có thiện-nam-tử hay thiện-nữ-nhân dùng vô biên vô số các thứ thiện diệu thất bảo và các thứ an lạc nhất của cõi người, trời, bố thí cho hằng sa chúng-sanh, cúng dường vô lượng chư Phật, Bồ-Tát, trải qua vô số đời kiếp; rồi đem công đức đó so với công đức của người chỉ nghe qua một lần mười đại nguyện thôi, ta thấy công đức của người trước sẽ không bằng một phần trong hằng hà sa số phần của người sau. Vả lại, nếu có người đối với mười đại nguyện nầy hết lòng tin tưởng, thọ, trì, đọc, tụng, cho dến biên chép một bài tụng bốn câu trong mười đại nguyện, sẽ mau diệt trừ được năm nghiệp vô gián (26), vô lượng ác nghiệp, các bệnh về thân, tâm trong thế gian, cũng như mọi điều khổ não. Ngoài ra, các loại ma quỷ như: Dạ-xoa (27), La-sát (28), Cưu-bàn-đồ (29), Tỳ-xá-xà (30), Bộ-đa (31), v.v… Các loại ác quỷ thần chuyên ăn thịt, hút máu thảy đều xa lánh, hoặc có khi chúng còn phát thiện tâm gần gũi không phải để phá khuấy mà để bảo vệ nữa. Bởi thế, nếu có người trì tụng Mười Đại Nguyện nầy, dù đi cùng khắp thế gian cũng không gặp diều gì chướng ngại, như mặt trăng giữa thinh không, không một vệt mây che; lại được chư Phật, Bồ-tát ngợi khen, trời, người đều lễ kỉnh và đáng được tất cả chúng-sanh cúng dường. Người ấy đời sau làm người sẽ đầy đủ công đức như Bồ-Tát Phổ-Hiền, không bao lâu sẽ như Bồ-Tát Phổ-Hiền, thành tựu được sắc thân vi diệu, gồm có 32 tướng tốt của Đại-trượng-phu. Nếu sinh vào cõi trời, người thì sẽ thuộc giòng họ cao quý, không gây các ác nghiệp, xa lánh các bạn ác, chế phục được ngoại đạo, không còn các phiền não, như sư tủ vương, hàng phục hết các loài thú khác, xứng đáng hưởng sự cúng dường của chúng-sanh. Hơn nữa, người ấy lúc sắp lìa đời, giây phút cuối cùng, tất cả các căn đều lạnh ngắt, bấy giờ, thân thuộc, uy thế, phụ tướng, đại thần, cung điện, thành quách, xe ngựa, châu báu… Tất cả và tất cả đều phải vứt bỏ, xa lìa, chỉ còn Mười Đại Nguyện là luôn luôn có mặt, làm người đem đường và trong một sát-na người ấy liền được vãng sanh về thê-giới Cực-Lạc. Đến rồi, lập khắc thấy đức Phật A-Di-Đà và các vị Bồ-tát, như: Văn-Thù-Sư-Lợi, Phổ-Hiền, Quán-Tự-Tại, Di-Lặc… Các vị Bồ-Tát nầy sắc tướng đoan nghiêm, công đức đầy đủ, bao quanh và vui vẻ hỏi han. Người ấy tự thấy mình từ trong liên hoa sanh ra và được đức A-Di-Đà thọ ký. Được thọ ký xong, trãi qua vô số kiếp, trong hằng hà sa thế-giới, vị đó dùng trí tuệ lực, tùy thuận tâm tính của chúng-sanh để làm lợi ích cho họ. Rồi sau đó, sẽ đến ngồi ở Bồ-đề đạo tràng, hàng phục ma quân, thành Vô-thượng-giác. Thành Phật rồi, lại tùy cơ thuyết pháp, hóa độ vô vàn thế-giới chúng-sanh, khiến họ phát tm bồ-đề… Cứ thế tiếp tục làm lợi cho chúng-sanh, mãi tới vô lượng vô lượng kiếp về sau. Thiện nam tử! Nếu có chúng-sanh nào nghe, tin, rồi thọ, trì, đọc, tụng và giảng giải cho người khác Mười Đại Nguyện nầy, sẽ có vô số công đức và công đức ấy chỉ có một mình đức Phật biết. Vì thế, các người khi nghe mười đại nguyện, đừng sinh lòng nghi ngờ, nên thọ, trì, đọc, tụng, biên chép và nói cho người khác nghe, càng nhiều càng tốt. Những người làm như thế, chỉ trong một niệm, các hạnh nguyện của họ đều thành tựu và sẽ được vô biên phước đức, vì chính họ đã cứu vớt chúng-sanh ra khỏi bể khổ phiền não và đưa về Cực-Lạc thế-giới của Đức A-Di-Đà. Bấy giờ đức đại Bồ-tát Phổ-Hiền muốn toát yếu lại ý nghĩa của Mười Đại Nguyện, Ngài nhìn khắp mười phương, rồi nói bài trùng tụng (32) sau đây :
Tất cả mười phương trong thế-giới,
Ba đời hết thảy chư Như-Lai,
Tôi nguyện đem ba nghiệp thanh tịnh,
Lạy từng vị chẳng thiếu một Ngài.
Dùng oai thần Phổ-Hiền hạnh nguyện,
Đối diện với tất cả Như-Lai,
Mỗi thân lại hiện vô biên thân,
Mỗi mỗi lễ cùng vô số Phật.
Mỗi vi trần có vô lượng Phật,
Đều ở trong chúng hội Bồ-tát,
Vô tận pháp giới trần cũng thế,
Tôi tin rằng có đầy chư Phật.
Nguyện đem vô vàn thứ âm thanh,
Phát ra vô biên lời vi diệu,
Ca ngợi công đức của chư Phật,
Cho đến muôn ức kiếp về sau.
Tôi nguyện đem vòng hoa thắng diệu,
Âm nhạc, đồ hương và tàn lọng,
Các thứ tối thắng trang nghiêm ấy,
Thành tâm dâng cúng chư Như-Lai.
Lại còn y phục và hoa hương,
Hương bột, hương thiêu, các loại đèn,
Mỗi thứ đều nhiều vô số kể,
Tôi xin dưng cúng chư Như-Lai.
Tôi dùng tâm <<quảng đại thắng giải>> (33),
Tin tưởng hết thảy Phật ba đời,
Rồi dùng Phổ-Hiền hạnh nguyện lực,
Cúng dường khắp tất cả Như-Lai.
Xưa nay đã gây bao ác nghiệp,
Đều do vô thủy tham, sân, si,
Từ thân, ngữ, ý phát sanh ra,
Tôi xin chí thành cầu sám hối.
Nguyện xin tùy hỷ các công đức,
Của chúng-sanh trong khắp mười phương,
Nhị-thừa, Hữu-học và Vô-học,
Hết thảy Như-Lai cùng Bồ-Tát.
Mười phương tất cả các Như-Lai,
Khi mới bắt đầu thành Chánh-giác,
Tôi đều thỉnh cầu hết thảy Phật,
Xin vì chúng-sanh chuyển pháp-luân.
Chư Phật nếu muốn bát niết-bàn,
Tôi đều chí thành để khuyến thỉnh,
Nguyện cầu cửu trú vô số kiếp,
Lợi lạc tất cả mọi chúng-sanh.
Đem công đức lễ tán, cúng dường,
Cầu Phật ở đời chuyển pháp-luân,
Tùy hỷ, sám hối các thiện căn,
Xin hồi hướng chúng-sanh, Phật đạo.
Tôi thường theo học với chư Phật,
Tu tập Phổ-Hiền viên mãn hạnh,
Cúng dường quá khứ các Như-Lai,
Cũng như hiện tại mười phương Phật.
Và cả vị lai hết thảy Phật,
Tất cả ý muốn đều trọn vẹn,
Tôi nguyện theo học ba đời Phật,
Để mau thành tựu đại bồ-đề.
Khắp cùng mười phương vô lượng giới,
Rộng lớn, thanh tịnh, diệu trang nghiêm,
Chúng hội cùng vây quanh chư Phật,
Hết thảy đều ngồi cội bồ-đề.
Mười phương tất cả các chúng-sanh,
Xa lìa ưu hoạn thường an lạc,
Lại được chánh pháp thậm thâm lợi,
Phiền não tiêu trừ không chút thừa.
Tôi vì chánh giác dốc lòng tu,
Ác thú chúng-sanh trả xong nghiệp,
Thường được xuất gia tu tịnh hạnh,
Không cấu, không phá, không tì vết.
Thiên, long, dạ-xoa, cưu-bàn-đồ,
Cả đến người và không phải người,
Hễ chúng có bao nhiêu ngữ ngôn,
Tôi đều y theo để thuyết pháp.
Siêng tu thanh tịnh ba-la-mật,
Hằng không quên mất bồ-đề tâm,
Tiêu diệt chướng cấu hoàn toàn sạch,
Tất cả diệu hạnh đều thành tựu.
Đối với hoặc nghiệp và ma cảnh,
Tuy ở thế gian nhưng giải thoát,
Cũng như hoa sen mọc trong bùn,
Lại như nhật, nguyệt giữa không trung.
Trừ sạch tất cả ác đạo khổ,
Bình đẳng đem cho họ an vui,
Cứ thế trải qua hằng sa kiếp,
Lợi ích mười phương không nghỉ ngừng.
Tôi thường tùy thuận chư chúng-sanh,
Mãi đến vị lai vô số kiếp,
Chuyên tu Phổ-Hiền đại hạnh nguyện,
Viên mãn Vô thượng đại bồ-đề.
Tất cả những ai cùng tu hành,
Ở khắp mọi nơi đều gặp gỡ,
Thân, khẩu, ý nghiệp đều như nhau,
Hết thảy hạnh nguyện cũng không khác.
Tất cả thiện tri thức của tôi,
Vì tôi chỉ bày Phổ-Hiền hạnh,
Thường mong cùng tôi đồng tập hội,
Nhìn tôi hằng sinh lòng hoan hỷ.
Nguyện thường diện kiến chư Như-lai,
Và các Phật-tử vây xung quanh,
Với họ đều phát tâm cúng dường,
Cùng tận vị lai không chán mệt.
Nguyện giữ gìn pháp Phật vi diệu,
Sáng tỏ tất cả hạnh bồ-đề,
Phát huy đạo Phổ-Hiền thanh tịnh,
Vô tận kiếp sau thường tu tập.
Tôi ở trong mọi loài chúng-sanh,
Tu hành phước trí vô cùng tận,
Định, huệ, phương tiện và giải thoát,
Được vô tận bảo tạng công đức.
Một vi trần có vô số cõi,
Cứ mõi cõi có vô lượng Phật,
Và mỗi Phật ở trong chúng hội,
Tôi thấy thường diễn hạnh bồ-đề.
Tận cùng mười phương các sát hải,
Mỗi đầu sợi lông nhiều tam thế,
Nhiều chư Phật và nhiều quốc độ,
Tôi điều tu hành vô lượng kiếp.
Dùng thanh tịnh ngữ của Như-Lai,
Mỗi lời gồm đủ nhiều âm thanh,
Tiếng nào chúng-sanh ưa nghe nhất,
Biện tài vô ngại như chư Phật.
Ba đời hết thảy chư Như-Lai,
Các Ngài với vô tận ngữ ngôn,
Thường chuyển bát nhã diệu pháp luân,
Trí lực của tôi đều thâm nhập.
Tôi có thể đi vào vị lai,
Hằng sa kiếp số trong một niệm,
Ba đời tất cả muôn vạn kiếp,
Chỉ trong một niệm tôi đều vào.
Tôi, trong một niệm thấy ba đời,
Muôn vàn chư Phật ở trong đó,
Cũng thường đi vào cảnh giới Phật,
Như-huyễn-giải-thoát (34) và oai lực.
Trong một cực vi đầu sợi lông,
Xuất hiện ba đời cõi trang nghiêm,
Mười phương hằng sa vô số cõi,
Tôi đều thâm nhập mà nghiêm tịnh.
Hết thảy chư Phật đời vị lai,
Thành đạo, thuyết pháp độ chúng-sanh,
Hóa duyên viên mãn bát niết-bàn,
Tôi đều tìm đến để hầu hạ.
Nhanh lẹ, cùng khắp thần thông lực,
Phổ-môn (35) biến nhập đại thừa lực,
Trí, hành đều tu công đức lực,
Oai thần trùm khắp đại từ lực.
Biến tịnh, trang nghiêm thắng phước lực,
Không chấp, không y trí huệ lực,
Định huệ, phương tiện oai thần lực,
Tích tập cùng khắp bồ-đề lực.
Thanh tịnh hết thảy thiện nghiệp lực,
Trừ diệt hết thảy phiền não lực,
Hàng phục tất cả ma vương lực,
Viên mãn Phổ-Hiền hạnh nguyện lực.
Đủ sức nghiêm tịnh vô số cõi,
Giải thoát hằng sa số chúng-sanh,
Khéo léo phân biệt vô lượng pháp,
Lại hay thâm nhập trí huệ hải.
Có thể thanh tịnh vô biên hạnh,
Viên mãn vô số vô lượng nguyện,
Thân cận cúng dường hằng sa Phật,
Tu hành tinh tấn trải muôn kiếp.
Ba đời hết thảy chư Như-Lai,
Tối thắng bồ-đề các hạnh nguyện,
Tôi đều cúng dường viên mãn tu,
Dùng Phổ-Hiền hạnh ngộ Bồ-đề.
Tất cả Như-Lai có trưởng tử,
Trưởng tử ấy tên gọi Phổ-Hiền,
Tôi nay hồi hướng các thiện căn,
Nguyện được phước trí như trưởng tử.
Nguyện thân, khẩu, ý hằng thanh tịnh,
Các hạnh, các cõi lại cũng thế,
Trí huệ như vậy gọi Phổ-Hiền,
Cầu cho tôi cũng được giống vậy.
Tôi vì muốn được Phổ-Hiền hạnh,
Văn-Thù-Sư-Lợi các đại nguyện,
Đầy đủ sự nghiệp như các Ngài,
Muôn vạn kiếp sau không chán mệt.
Hạnh nguyện của tôi không thể lường,
Nên được công đức cũng vô tận,
An trú mãi mãi trong các hạnh,
Thông suốt tất cả mọi thần thông.
Văn-Thù-Sư-Lợi, trí dũng mãnh,
Phổ-Hiền huệ, hành cũng như thế,
Tôi nay hồi hướng các thiện căn,
Thường theo các Ngài để tu học.
Ba đời chư Phật đều khen ngợi,
Các đại nguyện tối thắng như vậy,
Tôi nay hồi hướng các thiện căn,
Xin được Phổ-Hiền thù thắng hạnh.
Nguyện tôi khi mạng sắp lâm chung,
Trừ sạch hết thảy các chướng ngại,
Nhìn thấy đức Di-Đà trước mắt,
Liền được vãng sanh về Cực-Lạc.
Tôi được sanh về Cực-Lạc rồi,
Không lâu đại nguyện đều thành tựu,
Tất cả đều hoàn toàn viên mãn,
Hóa độ hết thảy mọi chúng-sanh.
Đức Phật, thánh chúng đều thanh tịnh,
Bây giờ tôi từ Liên hoa sanh,
Được thấy tận mắt đức Như-Lai,
Cho tôi biết ngay ngày thành đạo (36).
Đã được đức Như-Lai thọ ký,
Hóa thân hằng sa vô lượng số,
Trí lực quảng đại khắp mười phương,
Lợi ích tận cùng chúng-sanh giới.
Cho đến hư-không thế-giới diệt,
Chúng-sanh nghiệp và phiền-não hết,
Nhưng những thứ đó không thể hết,
Thì nguyện của tôi vẫn mãi còn.
Cùng khắp mười phương vô biên cõi,
Chất đầy châu bảo để cúng dường,
Lại đem an lạc thí trời, người,
Trải vô số cõi, vô lượng kiếp.
Rồi lại có người đối mười nguyện,
Chỉ mới nghe qua sanh niềm tin,
Lòng khát khao cầu đạo Bồ-đề,
Được công đức sẽ hơn người trước (37).
Luôn luôn không gặp ác trí thức,
Vĩnh viễn xa lìa các ác đạo,
Mau gặp Vô-Lượng-Quang Như-Lai (38),
Đầy đủ Phổ-Hiền tối thắng nguyện.
Người nầy sẽ sống lâu vô lường,
Và tự nguyện sinh vào loài người,
Rồi chẳng bao lâu sẽ thành tựu,
Mười đại nguyện như đức Phổ-Hiền.
Xưa kia vì vô-minh ngu muội,
Nên tạo tội vô gián ngũ nghịch,
Trì tụng PHỔ-HIỀN mười nguyện vương,
Một niệm chí thành liền được diệt.
Họ-hàng, chủng-loại và nhan sắc,
Tướng tốt, trí-huệ đều đầy đủ,
Ma-vương, ngoại-đạo không pháp phách,
Đáng được ba giới đều cúng dường.
Mau đến gốc bồ-đề đại thọ,
Ngồi xong hàng phục các ma quân,
Thành Vô-Thượng-Giác chuyển pháp-luân,
Lợi ích khắp cùng muôn hàm-thức.
Nếu ai đối với Phổ-Hiền nguyện,
Đọc tụng thọ trì và diễn thuyết,
Quả báo chỉ có Phật biết thôi,
Nhất định sẽ chứng Bồ-đề đạo.
Nếu ai tụng PHỔ-HIỀN nguyện này,
Chỉ dùng một chút công đức ấy,
Một niệm tất cả đều đầy đủ,
Thành tựu chúng-sanh thanh tịnh nguyện.
Hạnh Phổ-Hiền thù thắng của tôi,
Hằng sa phước đức đều hồi hướng,
Nguyện hết thảy chúng-sanh chìm đắm,
Mau về Cực-Lạc thấy DI-ĐÀ.
Bấy giờ đức đại Bồ-Tát Phổ-Hiền, ở trước đức Phật, nói xong bài trùng tụng nầy, Thiện-Tài đồng tử và các vị Bồ-Tát đều vui mừng hớn hở. Đức Như-Lai cũng hết lời tán dương !
Social Buttons